Nồng độ kháng thể gắn kết sau tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 ở người cao tuổi năm 2021-2022

Phạm Quang Lộc, Phạm Thị Thanh Hằng, Nguyễn Thị Hương Giang, Bùi Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Lê Minh Giang

Tóm tắt


DOI: 10.53522/ytcc.vi65.2.04

Ngày nhận bài: 06/11/2023

Ngày gửi phản biện: 10/11/2023

Ngày duyệt bài: 26/12/2023

 

Đặt vấn đề: Nghiên cứu mô tả nồng độ kháng thể gắn kết sau tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 ở người cao tuổi tại Hà Nội và Hưng Yên năm 2021-2022 và đánh giá một số yếu tố liên quan. 

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu thuần tập tiến cứu bao gồm 205 đối tượng từ 60 tuổi trở lên được tiêm vắc xin AstraZeneca tại các điểm tiêm chủng thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện dưỡng lão ALH, xã Xuân Quan huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên từ tháng 9/2021 đến 5/2022. Xét nghiệm sCOVG đánh giá nồng độ kháng thể gắn kết anti-RBD IgG được thực hiện tại 7 thời điểm. 

Kết quả: Nồng độ kháng thể đạt đỉnh sau thời điểm tiêm mũi thứ hai 14 ngày (14,8 IU/ml) và giảm dần đến thời điểm sau mũi thứ hai 3 tháng. Sau khi tiêm mũi thứ ba, nồng độ kháng thể tăng trở lại (60,24 IU/ml). Nữ giới có nồng độ kháng thể cao hơn nam giới khi so sánh trung vị nồng độ kháng thể tại thời điểm sau khi tiêm mũi thứ nhất 14 ngày (7,08 so với 3,95 IU/ml) và sau khi tiêm mũi thứ hai 14 ngày (32,27 so với 16,60 IU/ml). Người không có tiền sử dị ứng có nồng độ kháng thể cao hơn người có tiền sử dị ứng khi so sánh trung vị tại thời điểm sau khi tiêm mũi thứ hai 56 ngày (7 so với 5 IU/ml). 

Kết luận: Cần quan tâm tiêm chủng vắc xin phòng bệnh COVID-19 mũi 3 cho những đối tượng người cao tuổi chưa được tiêm chủng bổ sung, đặc biệt nam giới, người có tiền sử dị ứng, từ đó hạn chế tỷ mắc, tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này. 

PDF

 

Từ khóa


Anti-RBD, COVID-19 vaccine, AstraZeneca, Pfizer, elderly