2022


2021


2020


2019


2018


2017

Số 43 Tập 14 (Tháng 03 năm 2017)

Tạp chí YTCC số 43 xin chào các bạn.

Trong số này sẽ bao gồm những nội dung sau đây:

Tác giả Dương thị Thu Hương và cộng sự sẽ trình bày nghiên cứu: “Các yếu tố xã hội liên quan tới việc có ý định tử tử và cố gắng tự tử ở học sinh phổ thông trung học Hà Nội.” Đây là nghiên cứu về một vấn đề khá mới, từng lạ lẫm ở Việt Nam. Với nghiên cứu này, tác giả đã đề cập đến một thực trạng sức khoẻ tâm thần được cho là gây nên bởi những áp lực tinh thần lên các đối tượng học sinh trung học. Qua đó đã bước đầu gợi ý những khuyến nghị về sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Tác giả Nguyễn Hữu Thắng và cộng sự, nghiên cứu “Kiến thức của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi về phòng chống bệnh tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em tại một số vùng miền tại Việt Nam”. Đề tài này không mới, nhưng nó phản ánh một thực trạng mới rằng mặc dù bệnh không truyền nhiễm, mãn tính đã chiếm vai trò thống trị trong mô hình bệnh tật tại Việt Nam thì ở một số nơi vẫn còn những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Lơi lỏng nhận thức của các bà mẹ về các bệnh này sẽ nguy hiểm nếu bệnh xuất hiện lại.

Tác giả Phạm Vân Thuý đã “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, mật độ xương của nữ sinh vị thành niên tại Thái Nguyên năm 2014.” Và đã cho thấy một tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn, béo phì và mật độ xương thấp là cao ở khu vực này. Việc cải thiện khẩu phần ăn, điều chỉnh chế độ ăn, và luyện tập cũng như bổ xung vitamine và khoáng chết là cần thiết.

Tác giả Trần Quang Đức và cộng sự đã mô tả: “Thực trạng và một số yếu tố liên quan  tới ý định từ bỏ thuốc lá của nam giới hút thuốc lá từ 18 tuổi trở lên tại 3 phường của quận Đống Đa, Hà Nội năm 2016.” Qua đó, tác giả đã đưa một tỷ lệ và những lý do khá tích cực về tỷ lệ cũng như nguyên nhân muốn từ bỏ thuốc lá trên những nhóm đối tượng này.

Tác giả Nguyễn Thị Thi Anh và cộng sự đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới dự định hiến máu nhắc lại, thông qua một nghiên cứu tổng quan hệ thống. Kết quả là thái độ và sự tự chủ là hai yếu tổ mạnh nhất ảnh hưởng cơ bản tới hành vi này. Kế đến là những chuẩn mực chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, chuẩn mực đạo đức cá nhân, sự hài lòng cũng như các phản ứng khi tham gia hiến máu là những yếu tố quan trọng tới hành vi này.

Tác giả Nguyễn Hoàng Lan và cộng sự đã nghiên cứu “Chất lượng cuộc sống của người chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt ở thành phố Quy Nhơn.” Cho thấy những chỉ số đánh gía này thấp và cần được cải thiện. Trong một bối cảnh các bệnh không truyền nhiễm, mãn tính gia tăng nhanh chóng, già hoá dân số đang trở thành cản trở lớn nhất của nền kinh tế, những nghiên cứu như thế này là cần thiết và việc chuyển những kết quả nghiên cứu này tới các nhà hoạch định chính sách là quan trọng để có thể sớm có những giải pháp cho tương lai.

Tác giả Phạm Thị Bền và cộng sự nghiên cứu về việc phân tích “Mô hình ICF-CY trong can thiệp ngữ âm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt”.  Và đưa ra những gợi ý cho việc sử dụng mô hình này ở Việt Nam.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu những nghiên cứu này tới bạn đọc.


2016

Số 42 Tập 13 (Tháng 6 năm 2016)

Chào mừng các bạn đã đến với số 42 của tạp chí Y tế công cộng.

Trong số này các bạn sẽ được tiếp cận với các nghiên cứu sau đây:

Nhóm tác giả Lê Tấn Phùng và CS đã tiến hành nghiên cứu: “Nghiên cứu mối liên quan giữa sốt xuất huyết Dengue và một số yếu tố vi khí hậu tại tỉnh Khánh Hòa trong 11 năm (2004-2014)” trong đó những yếu tố vi khí hậu như nhiệt độ trung bình, độ ẩm và mưa đã ảnh hưởng và giải thích cho những biến thiên mắc bệnh trong các khu vực nghiên cứu. Hiểu biết rõ hơn mô hình này sẽ giúp cho công tác phòng bệnh hiệu quả hơn.

Nhóm tác giả Trần Thị Thanh Nhàn và CS đã nghiên cứu đề tài: “Chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan trên phụ nữ mãn kinh ở thành phố Huế.” Sử dụng thang đo chất lượng cuộc sống rút gọn của tổ chức Y tế thế giới đã cho thấy một  kết luận so sánh ở mức trung bình. Với các yếu tố liên quan được xác định bao gồm: trình độ học vấn, mắc các bệnh mãn tính nhất định và các triệu chứng khi mãn kinh.

Nhóm tác giả Lưu Quốc Toản và SC đã tiến hành đề tài: “Lượng giá nguy cơ thừa cân béo phì liên quan đến tiêu thụ nước ngọt có ga không cồn ở học sinh một số trường trung học phổ thông tại Hà Nội”. Tuy nhiên, do hạn chế ở phương pháp bán định lượng nên nghiên cứu mới chỉ có được những kết quả khiêm tốn bước đầu về mối quan hệ này.  

Nhóm tác giả Lê Thị Thanh Hương và SC đã tiến hành nghiên cứu: “Thực trạng vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại điểm bán lẻ ở 6 tỉnh tại Việt Nam năm 2015” Cho thấy một hình ảnh vi phạm quy định khá phổ biến và cao liên quan nhiều tới nhận thức của người bán lẻ và của người thực thi công vụ về quy định này.

Nhóm tác giả Nguyễn Hiền Vương và SC đã nghiên cứu đề tài:”Sử dụng rượu bia tại 3 tỉnh của Việt Nam năm 2013”. Đây là một nghiên cứu theo dõi dọc trong 3 năm liên tục từ 2013-2015, tính giá trị của nghiên cứu vì vậy sẽ được coi là đáng tin cậy đã cho thấy một thực tế đáng lo ngại về những đặc điểm dịch tế học của các nhóm đối tượng sử dụng rượu bia và tất nhiên là những hậu quả của nó trong cả ngắn và dài hạn.

Tác giả Bùi Tú Quyên đã nghiên cứu đề tài: “Thực trạng bao phủ bảo hiểm y tế và một số yếu tố liên quan ở người lao động phi chính thức quận Long Biên, Hà Nội” đã cho thấy một tỷ lệ khá thấp những người lao động loại này đã có bảo hiểm y tế. Tác giả đồng thời cho thấy những định hướng hoạt động có thể làm tăng tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế trên những đối tượng này.

Tác giả Nguyễn Thị Hoa và CS đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Thực hành phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ dưới 3 tuổi của người chăm sóc trẻ chính xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình năm 2015”. Kết quả nghiên cứu cho thấy một tỷ lệ quá thấp những đối tượng này biết và tham gia thực hành này, chỉ 31.6% và đã gợi ý một chương trình giáo dục và truyền thông toàn diện nhằm nâng cao tỷ lệ này.

Xin giới thiệu các nội dung nghiên cứu chi tiết các nghiên cứu.

Tổng biên tập

Lê Vũ Anh

Số 41 Tập 13 (Tháng 3 năm 2016)

Chào mừng các bạn đã tới với số 41 tạp chí Y tế công cộng (YTCC).

Trong số này các bạn sẽ tiếp cận với một loạt bài phản ánh đặc thù tính đa dạng của các nhiên cứu YTCC. Nhóm tác giả Phạm Công Tuấn và cộng sự (CS) với đề tài “Điều kiện làm việc của nữ công nhân ngành sản xuất da giày tại một số khu công nghiệp ở Việt Nam” đã cho thấy một hiện trạng sử dụng lao động nữ tại những điều kiện ô nhiễm ở các khu công nghiệp cần được cải thiện. Chỉ tiếc rằng bên cạnh những phát hiện khá tin cậy thì việc khuyến nghị của các tác giả lại khá mờ nhạt và không rõ ràng. Nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Bích và CS với đề tài “Thực trạng kiến thức, thái độ và tuân thủ cấm hút thuốc trong sinh viên cử nhân chính quy và cán bộ trường Đại học Y tế Công cộng” cho thấy tình trạng hút thuốc lá được theo dõi bằng 2 lát cắt ở hai thời điểm khác nhau để có thể cho kết luận về sự tăng/giảm của những thông số được đo lường. Lại môt lần nữa có thể thấy việc khuyến nghị tăng cường các biện pháp thông dụng nhằm làm giảm nốt số người còn hút thuốc là khó khả thi vì nguyên nhân hút thuốc của nhóm này chắc chắn khác với đa số người hút thuốc khác, và vì vậy nhóm này cần những giải pháp đặc hiệu và cụ thể hơn. Nhóm tác giả Lê Thị Kim Ánh và CS đã nghiên cứu đề tài “Khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ lao động di cư tại các khu công nghiệp Việt Nam năm 2013-2014”. Tiếp cận dịch vụ y tế ở lao động nữ đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các tác giả đã cho thấy một hình ảnh thiếu vắng trầm trọng công tác truyền thông, thay đổi hành vi của cán bộ y tế. Một cộng tác được cho là vô cùng quan trọng trong dự phòng các vấn đề liên quan tới sức khoẻ sinh sản. Phương pháp được sử dụng chỉ đơn thuần là định tính là phù hợp trong những nghiên cứu loại này. Nhóm tác giả Vũ Thị Thuý Mai và CS nghiên cứu đề tài “Dự báo nguy cơ tiến triển bệnh đái tháo đường tuýp II trong 10 năm ở cộng đồng người trưởng thành huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định”. Với báo cáo gần đây của WHO về tiểu đường năm 2016, dường như các tác giả của nghiên cứu này đang hướng tới một tương lai nghiên cứu và hành động hoà nhập với thế giới liên quan tới cảnh báo nguy cơ chỉ tăng lên của bệnh này trên một quy mô nhỏ là huyện Vụ Bản, Nam Định. Nghiên cứu đáng để chúng ta chú ý về việc giới thiệu một phương pháp nhằm dự báo tỷ lệ mới mắc tiểu đường phục vụ cho việc lập kế hoạch cung cấp dịch vụ đặc hiệu cho bệnh này, sử dụng thang đo FINDRISC. Nhóm tác giả Hoàng Ngọc Diệp và CS với đề tài “Kiến thức của cán bộ y tế tuyến xã về phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ dưới 6 tuổi.” đã đề cập tới một đề tài không thường được nghiên cứu ở tuyến cơ sở, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, tuy nhiên, đang nổi lên như một nhu cầu tự nhiên. Và đúng như kết luận của các tác giả, việc nâng cao kiến thức để phát hiện sớm những khuyết tật này là khá lớn, trên 30% số đối tượng nghiên cứu. Nhóm tác giả Nguyễn Thái Quỳnh Chi và CS với đề tài nghiên cứu “Năng lực sức khỏe tâm thần của sinh viên y tế công cộng ở Hà Nội về rối loạn lo âu” đã phản ánh thực trạng này trên chính sinh viên đại học YTCC, nơi có thể coi là giao thoa giữa các kiến thức liên quan tới bảo vệ và tăng cường sức khoẻ từ cả y học và xã hội học. Đây là nghiên cứu đáng suy ngẫm và cần phát triển trong bối cảnh các vấn đề rối loạn tâm trí đang có xu hướng gia tăng. Nhóm nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Trường và CS với đề tài “Động lực làm việc của nhân viên y tế khối lâm sàng Viện Pháp y tâm thần trung ương năm 2015”, nghiên cứu này áp dụng một phương pháp đo lường vào một cơ sở thực hành lâm sàng cụ thể nhằm tìm hiểu và tăng cường hiệu quả hoạt động của nó. Tuy nhiên, lại một lần nữa phần khuyến nghị lại quá chung chung và khó nhìn thấy một hứa hẹn tăng cường trong một tương lai gần!

Xin trân trọng giới thiệu số 41 tạp chí YTCC cùng bạn đọc. 

Lê Vũ Anh

Tổng biên tập

Số 40 Tập 13 (Tháng 3 năm 2016)

Chào mừng các bạn đã tới với Tạp chí Y tế công cộng (YTCC) số đặc biệt chào mừng 15 năm ngày thành lập Trường Đại học Y tế Công cộng.

 

Là một Tạp chí chuyên ngành, Tạp chí Y tế Công cộng có trách nhiệm quảng bá cho những hoạt động YTCC nói chung và hoạt động đào tạo YTCC nói riêng. Bởi vì tất cả các hoạt động thuộc một chuyên ngành đều giao thoa với nhau và tạo nên một bản sắc đặc thù cho chuyên ngành đó, ở khu vực và đất nước nhất định. Không có chuyện, ở một đất nước có một trường đại học chuyên ngành được xếp hạng rất cao trên thế giới, mà đất nước đó lại bị xếp hạng rất thấp về lĩnh vực mà trường đại học đó đang đào tạo, nghiên cứu, và ngược lại. Điều này cũng rất đúng khi áp dụng vào lĩnh vực YTCC. Nhận định này vừa mang ý tương tác nhân-quả, vừa mang ý thúc đẩy phát triển vì những gạn lọc tự nhiên của sự phát triển sẽ giúp không chỉ một cấu phần mà là toàn bộ sự phát triển của một ngành đồng bộ với các ngành khác. Điều đó tạo nên sự phát triển đồng đều, toàn diện của một xã hội.

 

Nhìn vào quá trình vận động phát triển củaTrường Đại học YTCC, tính từ giai đoạn tiền thân là Trường cán bộ Quản lý ngành y tế, chúng ta thấy rằng sự nỗ lực khác nhau ở những giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng tựu chung lại cái gốc vẫn là đào tạo nhân lực hoạt động trong ngành y tế (dù ở loại hình và cấp độ khác nhau). Với sự phát triển mạnh mẽ về cả khoa học và công nghệ trên thế giới thì càng những giai đoạn sau, sự đòi hỏi của xã hội càng cao và cấp bách hơn. Điều đó có nghĩa là xã hội mong nhìn thấy sự phát triển toàn diện và nhanh hơn, với vai trò của một trường đại học-Trung tâm xây dựng và truyền bá kiến thức.

 

Trong số Tạp chí đặc biệt này – bạn đọc sẽ được tiếp cận với các công trình nghiên cứu của giảng viên và học viên của nhà trường trong những năm gần đây. Mục tiêu của Tạp chí số đặc biệt  nhằm chia sẻ và cung cấp những bằng chứng khoa học cập nhật về các chủ đề thuộc lĩnh vực y tế công cộng tới các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý, các nghiên cứu viên, học viên và sinh viên.

 

Những đóng góp đầy đủ của Trường Đại học YTCC cho ngành học mới được phát triển ở Việt Nam trong những năm đầu thiên niên kỷ này sẽ chỉ được công nhận khi tất cả những hoạt động và sản phẩm thực tế của nhà trường được thể hiện không chỉ bằng những nội dung không mang tính nghiên cứu, mà còn qua những nội dung liên quan tới đào tạo, những nội dung mang tính định hướng và dẫn dắt v.v.. Mà cũng không chỉ giới hạn qua những nội dung mang tính kỹ thuật mà phát triển con người.

 

Tôi trân trọng giới thiệu số chuyên đề này cho Trường Đại học Y tế Công cộng.

Lê Vũ Anh

Tổng biên tập

 


1 - 25 trong số 63 mục     1 2 3 > >>