Đánh giá chất lượng sống và một số yếu tố liên quan ở người đã từng mắc COVID-19 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Tóm tắt
DOI: 10.53522/ytcc.vi71.03
Ngày nhận bài: 18/03/2025
Ngày gửi phản biện: 08/04/2025
Ngày duyệt bài: 24/06/
Mục tiêu: Đánh giá chất lượng sống và một số yếu tố liên quan ở người đã từng mắc COVID-19 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên..
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên các đối tượng mắc COVID-19 đã hồi phục, trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2022. Thông tin được thu thập bằng hình thức phỏng vấn các đối tượng qua điện thoại dựa trên bộ công cụ WHOQOL-BREF.
Kết quả: 500 đối tượng được phỏng vấn và thu thập thông tin. Trong số này, 240 đối tượng (48,0%) được đánh giá là có chất lượng sống không tốt. Điểm chất lượng sống trung bình cao nhất ở lĩnh vực thể chất (73,6 ± 19,0), tiếp theo là lĩnh vực tâm lý (70,0 ± 18,9), xã hội (64,5 ± 18,8) và lĩnh vực môi trường (67,0 ± 18,4). Điểm trung bình chất lượng sống tổng thể là 68,8 ± 17,8. Phân tích dữ liệu từ mô hình hồi quy logistic đa biến cho thấy nữ giới (OR=1,62; KTC 95%: 1,01 - 2,59), lớn tuổi (>45 tuổi) (OR=5,22; KTC 95%: 2,99 - 9,11), học vấn (dưới THPT) (OR=2,03; KTC 95%: 1,12 - 3,70), nơi làm việc (làm việc nơi công cộng) (OR=2,14; KTC 95%: 1,22 - 3,76), chưa tiêm vắc-xin trước khi mắc COVID-19 (OR=2,14; KTC 95%: 1,18 - 3,91), chưa tiêm vắc-xin mũi nhắc/bổ sung (OR=2,01; KTC 95%: 1,00 - 4,01), gặp các triệu chứng sau mắc COVID-19 (OR=2,10; KTC 95%: 1,06 - 4,17), rối loạn giấc ngủ (OR=5,45; KTC 95%: 2,30 - 13,03) là những yếu tố có liên quan đến chất lượng sống không tốt.
Kết luận: Tỷ lệ người hồi phục sau mắc COVID-19 có chất lượng sống không tốt tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung được báo cáo trước đây.