Thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh ở một số trường trung học cơ sở tại thành phố Huế

Nguyễn Minh Tú, Trần Thị Trà My, Nguyễn Hoàng Thùy Linh, Hồ Hiếu, Lương Thị Thu Thắm, Hồ Thị Linh Đan, Nguyễn Ngô Bảo khuyên, Trần thị Quỳnh Tâm, Nguyễn Phi Khanh, Võ Văn Quang Vinh, Đinh Thị Liễu, Nguyễn Đức Dân, Châu Nguyễn Đan, Đặng Thị Thanh Nhã, Trần Bình Thắng, Nguyễn Thanh Gia, Lê Đình Dương, Hoàng Trọng Nhật, Nguyễn Văn Tiến

Tóm tắt


DOI: 10.53522/ytcc.vi61.03

Ngày nhận bài: 15/09/2022

Ngày gửi phản biện: 22/09/2022

Ngày duyệt bài: 15/12/2022

Đặt vấn đề: Sức khỏe tâm thần (SKTT) là một cấu phần quan trọng của trạng thái sức khỏe mỗi người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), không có sức khỏe nếu không có sức khỏe tâm thần (No health without mental health). Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các rối loạn SKTT là rất cần thiết, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của trẻ trong giai đoạn vị thành niên cũng như thời kỳ trưởng thành

Mục tiêu: Mô tả thực trạng sức khỏe tâm thần (SKTT) và tìm hiểu một số yếu tố liên quan ở học sinh trung học cơ sở tại thành phố Huế.

Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 500 học sinh trung học cơ sở (THCS) tại thành phố Huế từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022. Số liệu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp đối tượng bằng bộ câu hỏi bao gồm các thông tin về nhân khẩu - xã hội học, các vấn đề gia đình và trường học và sử dụng thang đo SDQ-25 để đánh giá tình trạng sức khoẻ tâm thần. Sử dụng phân tích hồi quy logistic đa biến để xác định các yếu tố liên quan đến sức khoẻ tâm thần.

Kết quả: Có 18.2% (KTC 95%: 15.1 – 21.8) học sinh THCS có vấn đề SKTT ở mức bất thường, 27.4% (KTC 95%: 23.2 – 31.4) có vấn đề sức khoẻ tâm thần ở mức ranh giới. Trong đó bất thường về vấn đề cảm xúc chiếm tỷ lệ lớn nhất (20.6%), 15.6% có bất thường về vấn đề hành vi, 15.0% có bất thường về vấn đề bạn bè, 13.4% có bất thường về tăng động giảm chú ý, 8.6% có bất thường về các vấn đề xã hội tích cực. Một số yếu tố có liên quan đến sức khoẻ tâm thần là tình trạng hôn nhân của bố mẹ, tần suất tập thể dục thể thao, giờ đi ngủ vào buổi tối, vấn đề về gia đình, vấn đề về trường học và mong muốn của bản thân (p < 0.05).

Kết luận: Học sinh trung học cơ sở mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm thần chung chiếm tỷ lệ cao. Do đó, cần kết hợp giữa gia đình và nhà trường khuyến khích học sinh tham gia hoạt động thể lực phù hợp và thay đổi thói quen đi ngủ muộn góp phần cải thiện tình trạng SKTT của học sinh. 

Từ khóa


sức khỏe tâm thần, hoạt động thể lực, học sinh, thành phố Huế

Toàn văn:

PDF